NeO's Notes

3 bí quyết đầu tư của cặp vợ chồng triệu phú

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của Kristy Shen và chồng cô Bryce Leung. Hai người là tác giả cuốn sách “Quit Like a Millionaire”.

Đầu năm 2008, khi ra trường được vài năm và có một công việc toàn thời gian, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư như thể đó là trách nhiệm của một người trưởng thành cần làm.

Ban đầu, tôi nghĩ đến bất động sản. Thoạt nhìn, nhà ở có vẻ an toàn hơn một số tài sản tiềm năng khác. Tuy nhiên, chi phí trung bình cho một ngôi nhà tại Toronto – thành phố đắt đỏ nhất Canada - là hơn một triệu USD. Việc đầu tư vào nhà ở có thể là con đường dẫn bạn đến nợ nần cùng hàng tá stress. Vì vậy thay vì mua nhà, tôi quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Điều đó đặc biệt đúng khi tôi đầu tư vào giai đoạn Đại suy thoái. Có những ngày thật sự đáng sợ, nhưng thay vì hoảng loạn, chồng tôi và tôi quyết định học mọi thứ để có thể đầu tư khôn ngoan trong dài hạn.

Nhờ kết quả từ những trải nghiệm và tiết kiệm, chúng tôi đã xây dựng danh mục đầu tư của mình lên đến 7 chữ số (triệu USD) và nghỉ hưu ở độ tuổi 30 để đi du lịch khắp thế giới.

Những tháng qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy cơ hội trong những thời điểm không chắc chắn như thế này, đặc biệt nếu bạn muốn bắt đầu đầu tư.

Dưới đây là 3 bài học tôi rút ra từ Đại suy thoái năm 2008 đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc quản lý danh mục đầu tư của mình.

1. Nghĩ về thị trường giá xuống như một cơ hội để mua vào

Nếu bạn vốn đã lo lắng về việc đầu tư ngày cả trước khi đại dịch diễn ra, sự biến động trong thị trường chứng khoán thời gian qua có thể ngăn cản bạn bắt đầu.

Sự hỗn loạn là điều đáng lo ngại nhưng bạn cần biết rằng một số triệu phú hiện nay được sinh ra từ cuộc suy thoái kinh tế trước đó. Về cơ bản, nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, thị trường lao dốc có thể là cơ hội mua hàng “giảm giá” – điều giúp bạn trở nên giàu có khi thị trường phục hồi.

Đây là những gì chúng tôi đã làm trong Đại suy thoái. Vào thời điểm đó, giá trị tài sản của chúng tôi là 135.000 USD và là tài sản lưu động, thay vì bị ràng buộc vào một ngôi nhà hay giao dịch lớn khác. Chúng tôi quyết định đầu tư số tiền này và tận dụng thời điểm thị trường xuống để mua cổ phiếu định kỳ. Dù ban đầu danh mục đầu tư của chúng tôi giảm nhưng đã phục hồi 2 năm sau và bắt đầu đợt tăng trưởng kéo dài cả thập kỷ sau đó.

Chiến lược này có vẻ hiệu quả với chúng tôi nhưng điều quan trọng bạn cần nhớ là không nhất thiết phải tiết kiệm một số tiền lớn mới có thể đầu tư. Bạn có thể đầu tư số tiền lớn hay nhỏ nếu bạn thấy phù hợp.

2. Đừng cố dự đoán tương lai

Chúng tôi không trở thành triệu phú nhờ giao dịch trong ngày (mua và bán cổ phiếu riêng lẻ và nắm giữ chúng dưới một ngày) hoặc sử dụng các tùy chọn (đặt cược vào sự tăng giảm của cổ phiếu riêng lẻ).

Chúng tôi đạt được sự giàu có nhờ sự kiên trì và đầu tư vào dài hạn. Nếu chúng tôi nhảy ra và vào thị trường năm 2008 hoặc lao vào những khoản đầu tư phức tạp mà mình không hiểu, sẽ rất khó để chúng tôi thành công như hiện nay.

Lời khuyên tốt nhất của tôi là đừng cố dự đoán tương lai bằng cách đầu tư vào cổ phiếu riêng lẻ hoặc đầu tư phức tạp. Bạn có thể gặp may một hoặc hai lần, nhưng về lâu dài, khả năng cao là bạn sẽ mất tiền.

Đó là lý do những nhà đầu tư nổi tiếng như Warren Buffett lại khuyến nghị đầu tư theo các quỹ chỉ số. Bạn không cần phải là một chuyên gia hay lựa chọn đúng: bạn đặt cược vào thị trường chung, nơi có kinh nghiệm quản lý vốn tăng trưởng dài hạn.

3. Thực hiện các bước giúp giảm rủi ro

Khi tôi mới nghe về đầu tư chứng khoán, tôi đã nghĩ đó là cờ bạc. Bạn chọn cổ phiếu riêng lẻ và chỉ kiếm tiền khi bạn chọn đúng cổ phiếu.

Nhưng học cách đầu tư khôn ngoan trong dài hạn bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng và cân bằng thì không giống như đánh bạc. Đầu tư luôn đòi hỏi chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách hít thở sâu và áp dụng phương pháp “AIR” (allocation, indexing, rebalancing – phân bổ, lập danh mục và cân bằng).

Theo NDH

#dau-tu