NeO's Notes

5 bước đơn giản của Lập kế hoạch tài chính

Đã có thời điểm tôi ngập trong nợ nần và dường như không thể nào tìm thấy lối thoát cho cuộc sống của mình khi không biết phải chi tiêu như thế nào, kiếm tiền ra sao. Nhiều lúc tưởng như chỉ có bỏ đi biệt xứ hoặc tìm đến cái chết mới giúp tôi đỡ cùng cực.

Nhưng may mắn đến với tôi khi người thầy của tôi đã giới thiệu và giúp tôi phác thảo một bản kế hoạch tài chính chi tiết – thứ mà trước đây tôi rất coi thường. Không dám nói khoác, sau khi trải qua 5 bước đơn giản của quá trình Lập kế hoạch tài chính (như tôi liệt kê bên dưới), vào thời điểm sở hữu một bản Kế hoạch tài chính, cuộc sống của tôi được cứu vãn

5 bước của Lập kế hoạch tài chính:

  1. Thiết lập mục tiêu
  2. Thu thập và phân tích dữ liệu tài chính cá nhân
  3. Xây dựng kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu
  4. Thực hiện kế hoạch
  5. Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch

Nội dung chi tiết của các bước xin trình bày ở một bài viết sau chi tiết hơn, tôi sẽ xin liệt kê một vài lợi ích của việc sở hữu một Kế hoạch tài chính mà chính tôi là minh chứng rõ ràng nhất cho lợi ích tức thì của nó (giúp tôi thoát nợ)

  1. Hình thành nên sự kiểm soát chặt chẽ với thu nhập và chi tiêu -> bớt chi tiêu không cần thiết. Con số này thực sự lớn nếu bạn thống kê cụ thể nó ra

  2. Có một kế hoạch cụ thể để tập trung vào thực hiện nó -> Thực sự ích lợi vì ta đang tận dụng được trí thông minh của mình (khi lập kế hoạch) + sức mạnh của sự tập trung trong cùng một hành động

  3. Sự thoải mái bình an vì kiểm soát được mọi thứ trong tầm tay, kể cả tương lai -> Lợi ích của nó là việc chúng ta nắm rõ phần thắng khi chỉ cần cố gắng hành động nhỏ và chắc chắn sẽ đạt kết quả lớn (tôi sẽ nói chi tiết trong bài viết sau)

  4. Nhận diện được các rủi ro tài chính tiềm ẩn và có biện pháp cụ thể để giảm gánh nặng tài chính khi các rủi ro xảy ra -> phần này tôi sẽ có bài viết cụ thể về “Bốn loại rủi ro tài chính cá nhân cơ bản” hoặc bạn có thể đọc lại bài “Hành trình đầu tư của bạn sẽ đi về đâu”, trong đó tôi có nói sơ qua về 4 loại rủi ro này tại link

  5. Nắm chắc mọi thứ liên quan đến tài chính của mình trong tay, làm chủ nó và bình an, hạnh phúc thăng hoa vì điều đó -> có lẽ câu nói vừa rồi đã đủ giúp các bạn hiểu sức mạnh của việc sở hữu kế hoạch tài chính tác động tích cực như nào đến chính hạnh phúc cuộc sống của mình

Kết lại, tôi mong các bạn có thể nhận diện và áp dụng 5 bước đơn giản của việc lập kế hoạch tài chính. Dù có thể giống như tôi trước đây, các bạn cảm thấy không cần thiết phải có một kế hoạch tài chính, nhưng thực sự tôi nghĩ một kế hoạch tài chính không chỉ phát huy tác dụng khi một người lâm nguy và cần viện đến sự giúp đỡ của nó.

Việc sở hữu một kế hoạch giúp chúng ta thăng hoa trong tài chính và cuộc sống của chính mình mỗi ngày, mỗi tháng và nhiều năm. Bằng tất cả sự chân thành và kinh nghiệm xương máu của mình, tôi chúc tất cả các bạn sẽ đều có một bản kế hoạch tài chính cho riêng mình và nó sẽ giúp cuộc sống của các bạn hạnh phúc hơn, thoải mái hơn và bình an hơn


Ba nguyên tắc quan trọng chúng ta cần nhớ cho bước "Thiết lập mục tiêu"

  1. Hãy luôn tự hỏi để hiểu chính mình
  2. Nhào nặn mục tiêu thành những thứ “sờ thấy được”
  3. Tự thưởng khi đạt được mốc nào đó, tự phạt khi không làm được

1. Hãy luôn tự hỏi để hiểu chính mình

Nếu bạn đọc đã đọc bài viết về "Đừng đi tìm chén thánh…" của tôi hẳn đều biết, trì hoãn là nguyên nhân gần như chiếm 90% khả năng gây ra thất bại cho các kế hoạch.

Để chống lại trì hoãn, ta cần gì? Hãy tự vấn mình những câu hỏi sau:

a. Mục tiêu mà bạn đặt ra có thực sự là điều mà chính bạn muốn?

b. Bạn có làm chủ việc thực hiện hành động mỗi ngày để đạt được nó không hay bị phụ thuộc vào người khác, yếu tố bên ngoài khác?

c. Đạt được mục tiêu này sẽ đem lại hạnh phúc gì, niềm vui sướng hân hoan gì cho bạn, cho người thân hay mang lại lợi ích nào cho cộng đồng, xã hội của bạn? (Hãy tưởng tượng điều đó)

d. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không đạt được mục tiêu đó? Có tồi tệ hay không? (Hãy nghĩ về nó)

e. Để tận hưởng niềm vui khi đạt được mục tiêu và tránh những nỗi đau day dứt khi không đạt được, bạn có nghĩ rằng, thực hiện đều đặn hàng ngày những việc nhỏ được đề ra trong bản kế hoạch với tinh thần hừng hực khát khao là một việc nên làm chăng?!

Hãy tự hỏi và trải nghiệm với việc thiết lập kế hoạch của mình, tôi chờ sự phản hồi của bạn


2. Nhào nặn mục tiêu thành những thứ “sờ thấy được”

Nhiều bạn sẽ thắc mắc khi đọc phần 1 rằng, đã có mục tiêu gì đâu mà tự vấn. Vì bản chất to lớn của việc tránh trì hoãn, nên tôi đưa nó lên mục 1 và đưa nội dung của phần 2 xuống dưới. Nhào nặn mục tiêu thành những thứ “sờ thấy được” hay đơn giản hơn là “Thiết lập một mục tiêu rõ ràng có thể thực hiện được

Phần này thì đơn giản hơn, chỉ cần áp dụng nguyên tắc SMART, ta cần một mục tiêu:

a. Cụ thể, dễ hiểu

Giả dụ mua nhà sau 10 năm, tuy nhiên hãy hình dung nó to đẹp như thế nào, rộng bao nhiêu mét vuông,…

b. Có thể đo lường được

Ví dụ, mua nhà với giá trị 10 tỷ khi kết thúc năm 2030, tức là 10 năm sau

c. Tính khả thi

Hãy xem xét khả năng của bản thân một chút. Nếu bạn có mức lương quá thấp nhưng lại mong muốn mua một căn nhà giá 10 tỷ chỉ sau 10 năm thì chỉ trúng số mới giúp hiện thực hóa mong muốn này

d. Tính thực tế

Đừng đặt mục tiêu kiểu quá thiếu thực tế, giả dụ nếu bạn đặt mục tiêu mua nhà trên sao Hỏa trong khi Tesla của Elon Musk chưa phát minh ra được cách đưa con người sống được trên đó thì thực sự mục tiêu khó khả thi. Mà tôi nghĩ chắc bạn sẽ không rơi vào trường hợp này

e. Thiết lập thời gian

Đây chính là yếu tố CỰC KỲ QUAN TRỌNG. Có mốc thời gian, bạn sẽ chia nhỏ được mục tiêu to lớn thành các bước thực hiện nhỏ trong khoảng thời gian đó. Và điều này giúp bạn hiện thực hóa những điều mà nếu bạn chỉ nghĩ thoáng qua thì có thể đó là phi thực tế. Nhưng mỗi ngày hành động một chút theo kế hoạch, thì chắc chắn bạn sẽ sở hữu điều bạn muốn

Đó là lý do mốc thời gian cực kỳ quan trọng.


3. Tự thưởng khi đạt được mốc nào đó, tự phạt khi không làm được

Đặt mục tiêu không phải là một việc lặt vặt để chúng ta coi thường nó. Tôi biết chính tôi, chính nhiều người bạn của tôi và nhiều người tôi đã giúp lập kế hoạch nghĩ rằng một kế hoạch thực sự là quá dễ để lập ra. Đi kèm với điều đó là một trạng thái “chưa tin lắm” vào việc sẽ thực hiện được và cực kỳ dễ dẫn đến khả năng trì hoãn.

Để hiện thực hóa kế hoạch, từ đó giúp bạn không còn là một tay mơ mộng viển vông mà thực sự trở thành một người có ích, có khả năng làm nhiều hơn “chém” thì đầu tiên hãy đừng giống như tôi trước kia: “Hãy coi trọng chính kế hoạch của mình!”

Thực hiện nó mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm theo kế hoạch đã chia nhỏ ở bên trên. Và,…

Quan trọng lắm, hãy tự thưởng cho bản thân khi đạt được một cột mốc nào đó. Ví dụ, khi muốn chạy liên tục trong 3 tháng thì khi đạt được việc chạy liên tục trong 1 tuần. Hãy tự thưởng cho mình một điều gì đó, giả dụ như mua cho mình một món quà nhỏ, tự thưởng một buổi đi chơi xem phim nhỏ.

Chất Dopamine được tiết ra khi bạn nhận được một món quà sẽ giúp duy trì cảm hứng sống, gây hưng phấn, thích thú giúp bạn kéo dài niềm đam mê với việc thực hiện các thói quen này.

Hãy chia chặng đường dài để “đạt được” điều gì đó thành nhiều chặng đường nhỏ để bạn có nhiều lần “đạt được” một cái gì đó. Nhiều lần đạt được sẽ khiến nhiều lần hưng phấn, hạnh phúc nhỏ xảy ra hơn, thường xuyên hơn.

Ơ, hình như vô tình cuộc sống của bạn thường xuyên hạnh phúc hơn là cứ cố chờ cho đến khi phải đạt được cả cái cục mục tiêu to đùng kia ấy nhỉ!!

Theo Sức Khỏe Tài Chính

#tai-chinh-ca-nhan