NeO's Notes

9 mẹo tránh tắc đường khi đi ôtô

Những ngày cận Tết Nguyên đán, giao thông mỗi lúc thêm khó khăn nên tư tưởng không thông thì đường không đông cũng tắc.

Đường Hà Nội cuối năm chỗ nào cũng tắc. Ngồi trên ôtô nhìn những đoàn người trên những chiếc xe máy nhích từng tí giữa trời bụi, khói, còi xe lúc mưa lúc nắng mà thấy thương. Cũng tắc đường cũng khổ nhưng mình còn được ngồi trong ôtô, máy lạnh, nghe nhạc thư giãn, gọi điện thoại tán phét hoặc công việc, hầu như không mấy ảnh hưởng chỉ mất thời gian. Nhiều lúc tôi cứ thấy như trong phim Tam Quốc, mình may mắn là kỵ binh đi giữa những người lính bộ binh. Họ yếu hơn, vất vả hơn và không có nhiều sự lựa chọn bằng.

Tôi có một cậu lái xe, nhà ở phố cổ, trước lái taxi rồi về lái xe cho tôi. Nhiều lúc tôi phát cáu lên bởi cậu ấy lái ôtô bằng tư duy của người đi xe máy. Cụ thể, cậu ta thích chọn đường ngắn, thích đi luồn vào ngõ tắt, thích lấn lượn, thích bóp còi liên tục và chọn đi vào đường tắc... Sau nhiều lần nhắc nhở gắt gỏng, tôi đưa ra quy định thế này:

Thứ nhất, thời gian ngắn nhất là lựa chọn số một, đường xa gần không quan trọng. Ví dụ giờ này đường thoáng thì đi đường cầu Chương Dương, giờ khác đường đông đi bằng cầu Đông Trù, Nhật Tân (nhà tôi ở Long Biên). Thời gian đi 30 km trong vòng 45 phút còn hơn đi 10 km trong vòng 90 phút. Xe nổ máy trong 90 phút có khi tốn còn hơn xe nổ máy trong 45 phút.

Thứ hai, không bao giờ đi ngang qua khu phố cổ buôn bán đông mà đi ở các trục chính, thấy có hiện tượng trục đó tắc thì rẽ ngay. Vào những chỗ đông như vậy chỉ tổ xước xe và gây bực bội chính mình không cần thiết.

Thứ ba, không đi qua những đường tắt mà cứ phố to mà đi. Những đường tắt ngõ nhỏ tưởng nhanh, nhưng đâu biết chỉ cần cái xe máy đỗ lấn ra một tí là tắc rồi, ùn lại còn lâu mới thoát.

Thứ tư, xe chạy thẳng hạn chế rẽ nhiều lần. Có lần đang chạy Trần Hưng Đạo về Long Biên, cậu ấy đến Quang Trung rẽ trái, ra Hai Bà Trưng rẽ phải, đến Hàng Bài rẽ trái, đến Lò Sũ rẽ phải rồi loằng ngoằng ở đó rồi ra Trần Quang Khải quay sang rồi lên Chương Dương. Tôi hỏi "Sao em không chạy thẳng Trần Hưng Đạo qua 108 rồi rẽ trái Trần Khánh Dư luôn mà vòng vèo thế làm gì?" Nó bảo em quen đi kiểu xe máy - Bó tay.

Thứ năm, không được bấm còi liên tục vì chẳng giúp được gì mà gây ức chế người đi xe máy, có ngày họ điên lên họ cho hòn gạch thì cười. Còi chỉ để giúp cho người đi trước tránh bị tai nạn do mình gây ra chứ không phải còi để dẹp đường.

Thứ sáu, không được quay xe ngang đường cứ đến ngã ba ngã tư mà quay. Tôi hay đi xe to, mỗi lần nó quay ngang đường nhìn thấy người đi đường cả ôtô, xe máy họ nhăn mặt lầm bầm làm tự nhiên tôi thấy mình bị tổn phước. Nói chung cứ gây phiền hà cho người khác là tổn phước rồi.

Thứ bảy, không được để rơi vào đường tắc. Nghe có vẻ buồn cười nhưng tôi đã yêu cầu như vậy. Cách thức là trước khi đi kiểm tra đường đi trước bằng Google Maps để xem tình hình và lựa chọn tối ưu. Nếu đường nào cũng tắc thì sẽ ngồi lại thêm cho đường bớt tắc và nếu cần thì hẹn lại đối tác (vì nếu không cứ cố đi thì cũng đến trễ mà lại bực mình nhỡ việc cả hai bên). Tóm lại mình được quyền chọn đường và chọn giờ.

Thứ tám, luôn nhường đường để ... chỉ có thể là mình có cơ hội tông họ chứ không để họ có cơ hội tông mình. Ví dụ như băng qua ngã tư, nếu mình lấn trước thì xe hướng cắt sẽ có thể đâm vào sườn mình thì mình sẽ chậm lại để họ qua trước, nghĩa là mũi xe của mình có thể đâm ngang sườn họ. Tôi nhắc lái xe luôn làm điều này vì mình chủ động kiểm soát để xe mình không đâm xe khác chứ không thể kiểm soát xe người khác đâm vào xe của mình được.

Thứ chín, luôn luôn mở tấm che cửa nóc, đi đường ngồi ngắm trời ngắm cây tự nhiên thấy thời gian trên đường lâu đỡ phí.

Với những nguyên tắc trên, sau một thời gian thì cậu lái xe cũng quen dần thế là đi lại nhẹ nhàng ít bị tắc, mà có tắc thì ít bực bội hỏng việc. Đây là trải nghiệm cá nhân của tôi thôi, tôi muốn chia sẻ với độc giả cho vui. Các cụ bảo "tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng", tôi xin bịa lại "tư tưởng không thông đường không đông cũng tắc".

Chúc cả nhà vui vẻ an lành bất kể là đường thông hay đường tắc.

Theo VnExpress

#phat-trien-ca-nhan