NeO's Notes

CÁCH TỶ PHÚ ĐẦU TƯ GIÀU NHẤT THẾ GIỚI CHỌN CỔ PHIẾU


A. HÃY LÀ MỘT NHÀ PHÂN TÍCH KINH DOANH, KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CHỌN CỔ PHIẾU

Theo Warren Buffett – tỷ phú đầu tư giàu nhất thế giới, khi mua cổ phiếu, chúng ta phải suy nghĩ như một Nhà phân tích kinh doanh chứ không chỉ như một nhà phân tích thị trường hay chứng khoán (Tôi và các bạn hãy nhớ kỹ điều này, mãi mãi in sâu nó vào tâm trí mình như cách mà Buffett hay những nhà đầu tư vĩ đại khác đã suy nghĩ để trở nên giàu có bền vững từ đầu tư)

Làm thế nào để suy nghĩ như một nhà phân tích kinh doanh? Để suy nghĩ như họ, trước tiên chúng ta phải coi cổ phiếu là “công ty”.

Thứ hai, cần chia việc phân tích kinh doanh của công ty thành bốn thành phần sau (hãy nắm rõ 4 thành phần rất rất quan trọng này để học được một phần giàu có bền vững của Buffett – tôi là một người không thông minh nhưng vận dụng được nó đã giúp tôi trở thành một nhà đầu tư rất tốt)

  1. Bản chất của kinh doanh tốt:
  1. Chất lượng quản lý:
  1. Sức khỏe tài chính:
  1. Giá hợp lý :

B. CÂU CHUYỆN CỦA TÔI

  1. TỪ Ý NGHĨ “Bản chất của đầu tư là phân tích khả năng kinh doanh của doanh nghiệp”…

Đó, tôi nghĩ như thế khi bắt đầu tham gia vào thị trường đầu tư đó các bạn ạ. Các bạn biết gì không, bản thân tôi trước đây là một nhà đầu tư non trẻ và thiếu kinh nghiệm. Dù trước khi tôi đọc về Buffett, tôi vẫn hiểu và có cái cảm giác về việc “Bản chất của đầu tư là phải đầu tư vào các doanh nghiệp làm ăn tốt, các doanh nghiệp chất lượng”. Cơ mà,…

…cũng giống phần lớn các nhà đầu tư, khi tham gia vào thị trường tôi khá chủ quan với việc này. Tôi có học để biết phân tích và định giá doanh nghiệp, nhưng cái suy nghĩ “à, có khi chả cần, có lẽ chỉ cần phân tích kỹ thuật là giàu rồi” nó giúp tôi có một cuộc phiêu lưu vô cùng “ít thú vị”. Phương pháp chính tôi sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật, phân tích trading làm công cụ chính để đầu tư, đầu cơ

Số thật nhọ, tôi trading khá ổn và kiếm được rất khá, có thể nói là rất nhiều với một người trẻ và ít kinh nghiệm. Có tháng thu nhập đến hơn 120 triệu từ giao dịch chứng khoán. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng bản thân đã kiếm được “Chén thánh” – có thể mang lại quyền lực, tiền bạc và địa vị thật nhiều trong tương lai cho mình. Tuy nhiên, Chúa không muốn tôi mãi mãi chìm đắm trong một việc sai với bản chất của nó.

Tôi biết thế nào là địa ngục với việc cháy túi từ gồng lỗ. Thị trường lao dốc, do thiếu kiến thức về định giá, chu kỳ kinh tế, không hiểu thế nào là cắt lỗ và không biết lúc nào là phải mua, lúc nào là phải bán cho đúng, tôi cháy sạch gần “một căn chung cư Vinhomes City”

Cuộc đời lao dốc, nợ nần chồng chất, bạn bè quay lưng, những người tưởng là sẽ không bao giờ bỏ mình cuối cùng cũng vì hoàn cảnh mà không thể cùng chia sẻ câu chuyện với mình nữa. Thu nhập chẳng còn, lương tháng cũng không vì trước giờ đều kiếm tiền từ giao dịch chứng khoán, nợ thì ngập đầu. (Đoạn này các bài về Tài chính cá nhân trước tôi đã kể nên xin không kể với quý bạn ở bài này nữa)

  1. …ĐẾN tìm thấy niềm vui trong việc nhìn các doanh nghiệp của đất nước ngày càng tăng trưởng

Tuy nhiên, dường như duyên nợ với tài chính của bản thân chưa dứt. Chẳng còn tìm thấy niềm vui từ bất kỳ việc gì, tôi đọc sách hằng mong tìm được một lối thoát cho bản thân mình. Tôi đọc những cuốn sách kể về những người mô phỏng phong cách đầu tư của Warren Buffett, đọc sách của những người thầy của Buffett như Philip Fisher, Ben Graham,…

Các độc giả yêu quý biết gì nữa không, tôi thấy vui vì có cái cảm giác của một người từ từ tìm ra được những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Hóa ra, cái cảm giác về việc “Bản chất của đầu tư là đầu tư vào doanh nghiệp” mà từ lâu cứ ẩn hiện trong đầu của mình nó là đúng. Mình đã quên, đã sai, đã thất bại.

Nhưng, việc được nhắc lại, học lại, đọc lại cách những huyền thoại đầu tư cụ thể với “bản chất đầu tư vào doanh nghiệp” giúp tôi bừng tỉnh.

  1. Chu trình của kinh doanh

Mày mò lục lọi trong não mình, tôi bắt đầu từ việc nghĩ về những gì rất cơ bản của kinh doanh. Kinh doanh bắt đầu từ đâu, những kiến thức mà đại học dạy tôi chẳng phải là từ “tìm hiểu ai cần cái gì đó - sản xuất một cái ấy – bán cho ai đó cần – thu lợi nhuận – giàu có” hay sao.

Người Việt Nam cần gì – Ai sản xuất những thứ ấy – Họ có bán được những thứ ấy cho các khách hàng đó không – Họ thu lợi nhuận như thế nào – Họ chia chác lợi nhuận cho cổ đông ra sao

Tôi suy nghĩ theo chu trình ấy đấy.

Cái chu trình ấy, sao nó thực, nó giản dị và chân chất đến vậy. Vốn dĩ ta đâu có phải cần quá nhiều những gì khoa trương và cao siêu để tận hưởng được những điều tốt đẹp. Trải nghiệm quá trình ấy, tôi áp dụng thêm cả những tiêu chí, các hướng dẫn của Buffett và luôn lấy kim chỉ nam “bản chất đầu tư là phân tích kinh doanh” để tìm cho mình niềm vui trong việc phát hiện ra những doanh nghiệp tăng trưởng trên thị trường, những doanh nghiệp sẽ cùng bức tranh kinh tế của Việt Nam có một tương lai rất xán lạn (có lẽ điều này xin được chia sẻ sau)

Dù chưa phải quá xuất sắc, nhưng trung bình trong thời gian từ khi quay trở lại với những trang sách về Buffett, có lẽ tôi cũng không làm các huyền thoại đầu tư phải thất vọng. Lợi suất trung bình 30% thì không, nhưng lớn hơn 15% thì có. Hành trình đầu tư còn dài, còn rất nhiều những biến động, nhưng có lẽ tôi sẽ phải cảm ơn rất nhiều đến những trang sách về Buffett, về Fisher, về Graham, về Phil Town,… nơi đã giúp một kẻ ngốc nghếch, tìm thấy chút ánh sáng nơi cuối con đường.

Theo Cộng đồng Đầu tư thông minh - Tự do tài chính

#chung-khoan #dau-tu