NeO's Notes

Cú sốc giá vàng hiện tại có giống với năm 2011?

So với cú sốc giá vàng hồi năm 2011, đà tăng mạnh mẽ của giá vàng hiện nay không bị chi phối nhiều bởi nỗi lo sợ. Thay vào đó, các trợ lực của giá vàng mạnh và bền vững hơn.

9 năm trước, anh Nguyễn Tài, sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM, đã bỏ 40 triệu đồng để mua vàng ở mức giá 1.800 USD/ounce. Khi giá vàng tăng lên 1.840 USD/ounce, anh tiếp tục mua vào.

Đến khi giá kim loại quý chạm ngưỡng 1.920 USD/ounce, tài khoản của anh Tài đã lãi hơn 80 triệu đồng. “Tin rằng giá vàng còn tăng nữa, tôi không chốt lời mà mua tất tay ở mức giá 1.920 USD/ounce. Kết quả là 1 giờ sau, giá vàng rơi tự do xuống 1.840 USD/ounce, tôi mất trắng”, anh kể.

“Đó là bài học cay đắng cho sự tham lam, không quản lý rủi ro mà tôi không bao giờ quên”, anh Tài nhớ lại.

9 năm sau, thị trường vàng một lần nữa chứng kiến đà tăng mạnh mẽ do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm vì dịch Covid-19. Giá kim loại quý vượt ngưỡng kỷ lục 1.921,17 USD/ounce được thiết lập hồi tháng 9/2011. Cú sốc giá vàng trong năm nay giúp anh Tài lãi đậm.

Tôi tin giá vàng sẽ còn tăng lên 2.050 USD/ounce”, anh dự đoán.

Đà tăng mạnh mẽ của giá vàng trong năm nay có nhiều điểm chung với hồi năm 2011. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định trợ lực của giá kim loại quý hiện tại bền vững, mạnh mẽ và lâu dài hơn. “Bằng chứng là giá vàng đã vượt mức kỷ lục của 9 năm trước và sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore), nói với Zing.

Trợ lực mạnh mẽ hơn nhiều

Theo ông Manly, những tác nhân khiến vàng tăng giá hồi năm 2011 là các gói kích thích tiền tệ từ hàng loạt ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, nỗi lo ngại hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Cùng với đó, tháng 8/2011, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) lần đầu hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống còn AA+ kèm theo đánh giá triển vọng tiêu cực. Nguyên nhân chủ yếu do thỏa thuận nâng mức trần nợ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ khó duy trì được ổn định nợ trong trung hạn.

Từ cuối tháng 7 đến tháng 8/2011, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc thảm hại. Giới đầu tư đồng loạt đổ tiền vào vàng như một công cụ phòng vệ chống lại các tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng. “Những tác nhân này khiến giá vàng leo dốc và nhanh chóng vượt ngưỡng 1.920 USD/ounce”, ông Manly nhận xét.

Các chuyên gia quốc tế nhận định những yếu tố thúc đẩy giá vàng hiện tại mạnh hơn nhiều so với hồi năm 2011.

Vị chuyên gia tại BullionStar nhận định những yếu tố thúc đẩy giá vàng hiện tại mạnh hơn nhiều so với năm 2011. Theo ông, việc các ngân hàng trung ương lớn (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản) mạnh tay nới lỏng định lượng dẫn đến đồng tiền mất giá và có khả năng tạo ra siêu lạm phát.

Trước cuộc khủng hoảng toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn phản ứng bằng cách in thêm tiền, nới lỏng định lượng, đồng tiền mất giá, môi trường lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm”, ông Manly giải thích.

Thêm vào đó, thống kê cho thấy thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đạt mức kỷ lục 864 tỷ USD trong tháng 6. Tính tổng 2 quý đầu năm tài chính này, thâm hụt đã lên đến 2.700 tỷ USD, gần bằng mức thâm hụt năm kỷ lục do chính phủ Mỹ đổ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế.

Nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bán trái phiếu để huy động vốn chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết giữ lãi suất cơ bản ở mức 0% trong thời gian tới.

Giá vàng có thể được điều chỉnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự bứt phá lên mức cao kỷ lục cho thấy giá kim loại quý sẽ còn tăng cao hơn. “Vàng có thể trở thành mỏ neo của hệ thống tiền tệ quốc tế mới. Nhiệt lượng tiếp sức nóng cho vàng dường như mạnh hơn các yếu tố kéo giá vàng đi xuống”, ông Manly bình luận.

Không thể lao dốc thẳng đứng

Sau cú sốc hồi năm 2011, giá kim loại quý trượt dốc thẳng đứng vào năm 2013. Nguyên nhân là FED thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi, lạm phát toàn cầu thấp, thị trường chứng khoán leo dốc và đồng USD mạnh lên.

Khi cuộc khủng hoảng lắng xuống và nhường chỗ cho các tín hiệu phục hồi tăng trưởng, giới đầu tư không cần tìm tới những tài sản trú ẩn an toàn, dẫn đến cuộc tháo chạy diện rộng trên thị trường vàng thế giới. “Vàng không còn được ưa chuộng vì lúc này chẳng ai cần an toàn nữa. Mọi người đổ tiền vào những tài sản rủi ro hơn”, ông Uri Landesman, Chủ tịch Quỹ Platinum Partners, nói với Bloomberg.

“Năm 2013, tôi chỉ bán và bán. Tôi lãi to vào năm đó vì bán mạnh ngay đỉnh giá”, anh Tài, người chơi vàng ở TP.HCM, chia sẻ.

Thực tế cho thấy trong các cuộc khủng hoảng tài chính, giá vàng thường giảm mạnh sau khi có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và thị trường chứng khoán theo hướng leo dốc. Tuy nhiên, theo ông Boris Schlossberg, Giám đốc điều hành chiến lược tại BK Asset Management, sự tăng giá của vàng trong cuộc khủng hoảng hiện tại diễn ra “rất trật tự và ổn định”.

“Đây sẽ là cuộc đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư tại thời điểm này”, ông nói thêm.

Giá vàng khó rơi tự do ngay cả với kịch bản nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh.

Trả lời Zing về sự khác biệt giữa cú sốc giá vàng ở thời điểm hiện tại và hồi năm 2011, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital giải thích: “Trong cuộc khủng hoảng 10 năm trước, giới đầu tư lo ngại rằng hệ thống tài chính toàn cầu sẽ sụp đổ. Điều này khiến họ đổ tiền vào những nơi an toàn hơn, đẩy giá vàng tăng phi mã”.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng lần này, ông Scriven cho rằng các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động bình thường. Vì vậy, yếu tố sợ hãi không còn chi phối giới đầu tư.

Lần này, thay vì nỗi lo sợ, nguyên nhân chính là về tiền tệ”, ông Scriven nhấn mạnh. Các gói hỗ trợ lớn của hàng loạt chính phủ trên khắp thế giới có thể tạo ra siêu lạm phát và ảnh hưởng đến giá vàng. “Khi nguồn cung tiền mặt trên toàn cầu tăng mạnh, khó mà thoát khỏi nguy cơ lạm phát trong vài năm tới”, ông nói thêm.

Giá vàng chỉ có thể giảm mạnh khi lãi suất tăng đáng kể, nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói chung bước ra khỏi cuộc suy thoái và các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm dự trữ vàng”, chuyên gia Guangzhi Chen thuộc hãng KGI Securities (Singapore) nói với Zing. Dù vậy, đây là điều khó có thể xảy ra vào thời điểm này.

Trở lại năm 2011, dù tăng mạnh nhưng giá kim loại quý đều đóng cửa dưới ngưỡng 1.900 USD với áp lực chốt lời khá lớn. Tình trạng này không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Ngay cả khi giá vàng tăng phi mã, giới đầu tư vẫn tích cực rót tiền vào kim loại quý, dẫn đến tỷ lệ nắm giữ của các quỹ đầu tư ETF vàng tăng vọt.

Đà tăng chưa kết thúc

Thêm vào đó, dù đạt đỉnh vào năm 2011 nhưng vàng đã bước vào chu kỳ tăng giá từ hơn 10 năm trước đó. Còn chu kỳ tăng giá hiện nay mới chỉ bắt đầu từ tháng 8/2018 ở mức thấp 1.160 USD/ounce. “Đà tăng của vàng vẫn chưa thể kết thúc”, ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại AxiCorp, viết trong một ghi chú gửi tới khách hàng.

Ngoài ra, so với 9 năm trước, quy mô của thị trường vàng toàn cầu đã tăng lên nhiều lần. Giá vàng thế giới chủ yếu được thiết lập tại thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách (paper gold) thay vì thị trường vàng vật chất (physical gold).

Thị trường này bao gồm các hợp đồng giao dịch của sàn giao dịch tương lai COMEX, quỹ ETF, hợp đồng hoán đổi vàng, hợp đồng cho thuê tài chính vàng, hợp đồng kỳ hạn và vàng không được chỉ định được Hiệp hội Thị trường Kim loại quý London phát hành. Thực tế, thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách có thể dễ dàng đạt quy mô gấp 100 lần thị trường vàng vật chất.

Theo ông Ronan Manly tại BullionStar, trợ lực của giá vàng vẫn còn nguyên vẹn ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Chuyên gia Manly tại BullionStar nhận định các yếu tố hỗ trợ giá vàng đều tạo ảnh hưởng trong dài hạn. “Đó là chính sách nới lỏng tiền tệ của hàng loạt ngân hàng trung ương, nợ toàn cầu bùng nổ và cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Chúng ta không thể thay đổi bất cứ điều gì trong số đó, ngoài việc định giá lại vàng để cân bằng bảng cân đối của các ngân hàng trung ương”, ông bình luận.

“Trợ lực của giá vàng vẫn còn nguyên vẹn ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Bất cứ sự phục hồi nào cũng cần thời gian”, ông Manly nhấn mạnh.

Trả lời CNBC, nhà phân tích Barry Dawes của Martin Place Securities nhận định bất chấp sự hạ nhiệt về ngắn hạn, thị trường vàng đang “rất mạnh” và giá có thể tăng lên tới 3.500 USD/ounce trong vòng 2 năm tới.

“Giá vàng đã nhanh chóng cán đổ mốc 1.800 USD và 1.923 USD một cách dễ dàng”, ông Dawes nhấn mạnh. Theo ông, có thể thị trường sẽ chứng kiến một số đợt chốt lời và giảm giá, nhưng sức mạnh tiềm tàng của đà tăng giá là “rất lớn”.

Các nhà phân tích tại UBS cũng dự đoán vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce trước cuối năm nay “nhờ môi trường lãi suất thấp, đồng USD suy yếu và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc”.

“Tính đến nay, tài khoản của tôi đã lãi khoảng 52%. Cá nhân tôi thích giao dịch qua sàn hơn giao dịch vàng vật chất. Nếu biết quản lý vốn và không tham lam khi sử dụng đòn bẩy tài chính, tôi sẽ khó thua lỗ”, anh Tài tại TP.HCM chia sẻ.

Theo Zing

#dau-tu #gia-vang