NeO's Notes

Đầu tư chứng khoán theo kiểu gửi tiết kiệm

Đầu tư chứng khoán theo kiểu gửi tiết kiệm (phần dẫn nhập)

Thật lòng mà nói, bài viết này hoàn thành cũng một thời gian khá lâu rồi, chỉ là đợi thời điểm phù hợp để chia sẻ. Việc lỡ mất con sóng hơn 200đ từ 9xx đến giờ cũng là một yếu tố gây ra tâm lý mất tự tin, lần lữa việc đăng lên hay không. Phải nói là thị trường điên hơn rất nhiều so với khả năng tưởng tượng của người viết, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn bủa vây nền kinh tế mà chứng khoán lại tăng dựng đứng, như kiểu năm 2021 này GDP nước ta sẽ tăng trưởng 2 con số vậy.

Nhưng thiết nghĩ, đầu tư là một chặng đường dài, nên thôi tạm gác cái sự “nhuệ khí” của hiện tại, xin mạnh dạn chia sẻ với các anh chị quan điểm cá nhân trong đầu tư chứng khoán (CK). Phương pháp sau đây đem lại cho người viết lợi nhuận bình quân đạt được trên thực tế khoảng quanh 20% / năm, liên tục trong suốt thời gian đầu tư; nếu tính luôn phần “hưởng sái” ăn hên từ cơn điên vừa rồi của thị trường chung gần đây thì đạt khoảng 50% / năm, sau khi đã chốt lời toàn bộ số cổ phiếu đã gom, tính đến thời điểm 30/12/2020. Một thành tích không có gì nổi bật, hết sức tầm thường nếu so với các anh chị kiếm cơm bằng nghề này.

——————————————————

Nội dung sau đây được viết ở góc độ của một người đầu tư bán chuyên, tầm vốn không quá 9 chữ số, chỉ mới tham gia thị trường được khoảng hơn 6 năm, cải tà quy chánh từ trường phái lướt sóng sang mua gom và nắm giữ. Có lẽ, phương pháp đầu tư này phù hợp với quý anh chị không có nhiều thời gian nghiên cứu, tìm đến chứng khoán như một kênh tiết kiệm, dòng tiền cổ tức tốt hơn gửi ngân hàng, bên cạnh đó là chờ cơ hội cổ phiếu được “đánh lên” để chốt lời nhờ chênh lệch giá.

Thi thoảng, chúng ta đọc được ở đâu đó những trường hợp nhân đôi, nhân ba tài khoản trong vài tháng nhờ đầu tư CK, chúng có thật không? Dạ xin khẳng định là có, trong thời kỳ thị trường đi lên, thị trường điên như chúng ta đang chứng kiến hiện nay, “ăn bằng lần” là chuyện không hề hiếm gặp.

Nhưng nếu nhìn vào con số thống kê, xét dài hạn, chỉ có 5% số người tham gia thị trường thực sự giành được chiến thắng, hay đọc quyển “Chết vì chứng khoán” viết về huyền thoại Jesse Livermore, chúng ta sẽ phải thật sự nghiêm túc suy nghĩ lại ý tưởng giàu nhanh từ CK.

Nhìn vào những cú đổ đèo, mất thanh khoản của thị trường giai đoạn cuối 2007 đầu 2008; hay những cổ phiếu đình đám một thời như ROS ( Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros của anh Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC, tự “Quyết còi”) từ hơn 200k/cp vào năm 2017 về còn chỉ quanh 2k/cp từ đầu năm 2020; rồi cổ phiếu HAG của bầu Đức có giá trên 40k giai đoạn hoàng kim 2009-2011 về dưới 4k/cp vào cuối 2019, chúng ta sẽ nhận ra tính khốc liệt và những rủi ro mất vốn luôn tiềm ẩn của thị trường.

Tuy thế, chúng ta sẽ có niềm tin đối với phương pháp đầu tư nắm giữ dài hạn nếu nhìn vào đồ thị tăng giá vững vàng, ổn định suốt từ thời điểm chào sàn của những cổ phiếu hàng đầu như VNM (Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam), giá hiện nay đã tăng hơn 50 lần so với năm 2006, CTD (Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons) giai đoạn 2012 đến cuối 2017 giá cp tăng gần 20 lần… Động lực tăng giá đến từ sự tăng trưởng của doanh nghiệp và niềm tin của thị trường vào giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Ý nghĩa trong sáng của “Đầu tư” là góp vốn vào một doanh nghiệp với mong muốn lớn nhất là thu về được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; yếu tố “tăng giá cổ phiếu” chỉ là giá trị “phái sinh” sau này. Mua cổ phiếu là mua kỳ vọng tương lai của một doanh nghiệp, và tương lai là thứ không ai dự đoán chính xác được. Vì thế, ưu tiên hàng đầu là an toàn, an toàn, và an toàn, dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh đã đạt được trong quá khứ của doanh nghiệp. Sau đây là tiêu chí chọn cổ phiếu của người viết:

  1. Doanh nghiệp làm ăn tốt, lãi đều đặn, doanh thu và lợi nhuận nhìn chung ổn định trong 2-3 năm gần nhất.
  2. Doanh nghiệp có khả năng kiểm soát và thanh toán tốt các khoản nợ hàng năm.
  3. Nếu không có cổ tức đều đặn bằng tiền mặt, cần phải thấy lợi nhuận được tái đầu tư hiệu quả, thể hiện rõ ràng trên BCTC.
  4. Doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh cốt lõi, không đầu tư dàn trải, đa ngành.
  5. Có sức mạnh cạnh tranh riêng như độc quyền, uy tín lâu năm, công nghệ vượt trội so với đối thủ,…
  6. Có cơ cấu cổ đông lành mạnh.
  7. P/E ở mức độ hợp lý trong mối tương quan ngành và tương quan với thị trường.
  8. Lượng cổ phiếu trôi nổi thấp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên 20.000cp < x < 500.000cp.
  9. Lĩnh vực kinh doanh ít nhất là chưa thấy có khó khăn trong tương lai, tốt hơn nữa là có triển vọng.
  10. Đạt những tiêu chuẩn nhất định trong Phân tích kỹ thuật.

Các tiêu chí trên xoay quanh 4 yếu tố:

Những cổ phiếu thỏa mãn tối thiểu 6/10 tiêu chí trên, phân bổ trên đủ cả 4 yếu tố, chúng ta sẽ đưa vào danh mục quan tâm. Sau khi sàng lọc lần 2, sẽ chỉ còn 1-3 cổ phiếu tiềm năng nhất được chính thức đưa vào danh mục đầu tư với kế hoạch giải ngân dài hạn.

Các tiêu chí trên có vẻ hơi phức tạp đối với các anh chị chưa từng đầu tư CK hoặc mới tham gia thị trường. Xin đừng quá băn khoăn, người viết cam đoan là chúng dễ hơn nhiều lần so với những bài toán tích phân, lượng giác thời phổ thông mà chúng ta từng giải được; phương pháp sàng lọc sẽ được trình bày chi tiết, đảm bảo là cách sử dụng những công cụ sàng lọc cổ phiếu dễ hơn nhiều lần so với việc cân bằng phương trình phản ứng hóa học.

Để tiện cho việc theo dõi, bài viết sẽ được tách ra nhiều phần. Xin hẹn gặp lại chúng ta ở phần tiếp theo, trình bày chi tiết về cách sàng lọc Doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí thuộc yếu tố Tài chính doanh nghiệp ạ.

Theo Vietnam Business Insider

#chung-khoan #dau-tu