NeO's Notes

Khi cha mẹ đánh mất tương lai con

Tác giả: Đỗ Quyên (Tâm lý học ứng dụng)

Bài viết này chính xác bắt nguồn từ cuộc đời tôi. Có lẽ là từ những ấm ức từ khi tôi còn nhỏ.

Ngày bé, mẹ tôi quyết định tất cả mọi thứ xung quanh tôi. Quần áo tôi mặc, đồ dùng tôi sử dụng, kiểu tóc tôi để, cách tôi đi đứng nói năng trò chuyện. Tất cả đều không được trái ý mẹ.

Có một lần mẹ mua cho tôi một cái quần màu xanh lá cây, tôi nói tôi không thích mặc quần màu xanh lá cây, cả lớp tôi mọi người đều mặc màu đen và xanh tím than không có ai mặc quần màu xanh lá cây đi học nên tôi nhất định không mặc vì thấy nó rất kì cục. Hôm đó, mẹ tôi cũng hơi vội đi làm. Mẹ bảo tôi màu ấy rất đẹp có làm sao đâu, không mặc thì cởi truồng đi học nhưng tôi vẫn không chịu. Mẹ không bảo được tôi điên lắm mới đánh cho tôi một trận. Cuối cùng, mẹ thì muộn làm, tôi thì muộn học. Khi tôi đến cả lớp đã ngồi vào chỗ hết rồi còn tôi thì mặt mũi tèm lem, tóc tai rối bù và mặc một chiếc quần màu xanh lá cây đi học. Tôi cứ nhớ mãi cảm giác mọi người nhìn mình lạ lẫm.

Lớn lên mẹ vẫn làm thế với tôi, chuyện chọn trường, chọn lớp, chọn người yêu mẹ đều tham gia. Mẹ nói với mọi người, trông nó thế thôi chứ vụng về lắm chẳng biết gì đâu việc gì cũng đến tay mẹ cả. Tôi không buồn phân bua. Con người tôi chia làm hai nửa. Một nửa mẹ muốn, nửa kia là mong muốn của tôi. Hai nửa đó chẳng bao giờ ngừng tranh cãi khiến tôi bị rối trí luôn sống trong mệt mỏi, chán chường.

Một ngày, tôi thấy hai mẹ con chị hàng xóm cãi nhau trong siêu thị. Con trai chị muốn chọn ba lô màu trắng còn chị muốn mua cho con chiếc ba lô màu xanh dương. Chị bảo con màu trắng nhợt nhạt, không mạnh mẽ, nam tính mấy hôm lại bẩn mất công mẹ giặt. Cãi nhau một lúc không ai chịu ai, chị lôi con về và chẳng mua sắm gì hết. Tự nhiên tôi thấy nực cười quá đỗi, hỏi ai mới là người sử dụng chiếc ba lô, chị hay con chị? Hóa ra, tôi không phải đứa trẻ duy nhất trên đời này bị mẹ áp đặt như vậy. Ngoài tôi, còn rất nhiều đứa trẻ bị ngược đãi dưới vỏ bọc yêu thương của bố mẹ.

Khi viết thư cho Tâm lý học ứng dụng này tôi có nói: Từ ngày có con, mình nhận ra là những hiểu biết của chúng ta về trẻ em thật nông cạn. Mình không muốn con mình sau này cũng giống mình đến tận năm 30 tuổi mới thực sự biết mình muốn gì. Cho nên, mình muốn gửi đến các vị phụ huynh một thông điệp: Giới hạn cao nhất của việc thật sự yêu con là để con tự quyết định cuộc đời mình.

Nghe từ quyết định có vẻ nghiêm trọng thực ra không có gì quá to tát cả. Nó bắt nguồn từ những lựa chọn đơn giản nhất như không ép ăn, ép uống, đồ dùng, vật dụng cá nhân của con dần dần đến những thứ phức tạp hơn như bạn bè, cá tính, xu hướng giới tính, chọn trường học, ngành học… Bé thì chọn quần, chọn áo, chọn đồ dùng học tập, đi chợ mua mớ rau, con cá… lớn lên chọn bạn, chọn nghề, chọn nhà, chọn xe, chọn chồng, chọn vợ…

Đó là cả một quá trình hình thành nên một thứ mà người ta gọi là Sự tinh tế. Sự tinh tế hay nhanh nhạy, sắc bén trong cuộc sống về cơ bản được mài giũa thông qua quá trình lựa chọn hay còn gọi là quá trình Thử và Sai (Trial and Error). Khi con chọn sai, đứa trẻ sẽ mắc sai lầm khi đó đầu óc chúng sẽ được thử thách để đối diện giải quyết, xử lý hậu quả của vấn đề như thế nào và phải bắt đầu lại từ đâu, nếu không ít nhất cũng học hỏi được một bài học kinh nghiệm gì đó. Sau này, khi gặp lại những tình huống tương tự đầu óc chúng sẽ linh hoạt hơn những đứa trẻ chưa từng được thử thách rất nhiều.

Những điều tưởng chừng như đơn giản đó không phải bố mẹ nào cũng làm được. Nhất là đối với những quyết định quan trọng mang tính bước ngoặt trong cuộc đời con cái. Ví dụ như việc chọn trường, chọn nghề, thi đại học, chọn bạn đời. Bố mẹ luôn nghĩ con cái mình bé bỏng không biết thế nào mới là tốt nhất cho bản thân. Những cái con cái thực sự yêu thích lựa chọn bố mẹ cho rằng đó là những ý thích nhất thời. Chúng không thể có cuộc sống ổn định tử tế nếu cứ bay bổng vẽ vời, thích làm ca sỹ xướng ca vô loài hay vũ công nhảy nhót trên sân khấu… Nhiều khi những thứ bố mẹ ép con cái nghe lời để có một cuộc sống bình thường, một công việc ổn định rồi lập gia đình gần nhà lại là những việc làm dập tắt ngọn lửa đam mê và cắt đi đôi cánh ước mơ của con trẻ.

Tôi hay cho con đi khám răng ở phòng khám tư của một anh bác sĩ. Anh ấy rất giỏi và cũng rất tốt bụng, hay trò chuyện với bệnh nhân nên phòng khám khá đông khách. Một lần, tôi thấy anh đang đọc tạp chí kiến trúc nên cũng vui miệng bình luận vài câu liên quan. Anh dừng lại trò chuyện với tôi một lát, anh kể cấp 3 anh học giỏi nhất trường tương lai sáng lạn, là niềm hy vọng của tất cả mọi người. Mẹ anh làm bác sỹ nên sớm định hướng cho anh vào nghành y. Theo tính toán của mẹ anh, anh ra trường được hai năm mẹ anh về hưu anh thế chỗ là vừa đẹp. Anh rất thích kiến trúc nhưng lại là con ngoan nên ngoan ngoãn vâng lời mẹ đi thi đại học y. Năm đó anh đỗ với số điểm rất cao, bây giờ sự nghiệp của anh cũng rất vững vàng rồi nhưng trong lòng anh vẫn luôn hướng về kiến trúc, tối đi ngủ vẫn ấp ủ ước mơ thiết kế một công trình vĩ đại, sáng dậy vẫn mặc áo blue đi làm bình thường, tối về lại ra phòng khám làm việc. Tiền thì không thiếu nhưng trong lòng luôn cảm thấy mơ hồ về con đường mình đã lựa chọn.

Bản thân chúng ta những người làm cha mẹ sẽ không thể dự đoán trước được tương lai 50 năm nữa sẽ ra sao. Ngày trước có bao giờ bạn dự đoán được bưu chính viễn thông, kế toán hay nhân viên ngân hàng… sẽ thất nghiệp nhiều như bây giờ không? Sau cách mạng 4.0 (hay còn gọi là cách mạng số, thế giới thực sẽ bị số hóa thành thế giới ảo, ranh giới giữa hai thế giới thực và ảo bị xóa mờ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng cao) bạn càng mù tịt về tương lai. Vậy tại sao bạn lại cố “định hướng” cho con mình theo những ý tưởng, kế hoạch mà bạn nghĩ là sẽ khả thi trong vòng vài năm tới. Cứ mỗi kỳ thi đại học là có cả nghìn thí sinh quay cuồng chọn trường thậm chí chả hiểu vì sao mình lại chọn trường đó trong khi mình chẳng hề có khái niệm gì về ngành học. Có thể là theo định hướng của bố mẹ, chọn trường giống bạn bè, chọn trường để sau này dễ xin việc chứ không hề biết bản thân mình muốn gì. Cùng kỳ đó lại là một lứa sinh viên tốt nghiệp đại học rồi thất nghiệp. Đầu vào và đầu ra tạo thành một vòng luẩn quẩn của xã hội. Bao nhiêu năm trôi qua như vậy, bao nhiêu thế hệ đã hoang mang với kỳ thi đại học, thử hỏi chúng ta đã vô tình làm hỏng tương lai của bao nhiêu đứa trẻ? Đừng đổ lỗi cho giáo dục vì nền giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất bắt nguồn từ gia đình.

  1. Đối với các vị phụ huynh: Muốn con tự đưa ra được những quyết định đúng đắn trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mình thì bố mẹ nên làm những việc như sau:

Thứ nhất: Phải để con tự quyết định từ những việc nhỏ nhất. Miễn là việc của cá nhân con không vi phạm 3 điều sau:

Bố mẹ sẽ là người cung cấp kiến thức nền trước, sau đó cho con chủ động lựa chọn, quyết định. Ví dụ: Ngày hôm sau cả nhà đi picnic bố mẹ có thể gợi ý trang phục phù hợp cho con. – Con ơi, váy hồng này xinh nhưng chỉ hợp với đi dự tiệc thôi. Bộ đồ bơi này để đi tắm biển nhé. Còn áo phông với quần sóc thì hợp với đi picnic con thích mặc bộ nào trong hai bộ này. Luôn nhớ là chỉ nên có 1 trong hai sự lựa chọn. Càng nhiều sự lựa chọn càng dễ gây rối loạn con bạn khó đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhất.

Việc này có khó không? Xin thưa là cực kỳ khó nhất là đối với những bậc phụ huynh đang có thói quen kiểm soát con hằng ngày. Bạn cần trải qua một quá trình cùng một sự kiên nhẫn vô hạn mới có thể thay đổi dần dần được vì thực sự nó rất phiền toái. Nhiều khi chờ đợi sự lựa chọn của con bạn sẽ cực kỳ mất thời gian hoặc dẫn đến những hậu quả bạn phải đau đầu giải quyết nhưng đó là việc của hiện tại còn tương lai trong vòng 5 hay 10 năm nữa bạn sẽ gặt hái trái ngọt khi con bạn đủ độc lập, tự chủ về hành vi của bản thân và có khả năng tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Con càng lớn quyền tự quyết càng cao, sự giám sát của bố mẹ càng giảm dần. Bố mẹ nên đưa con đi mua sắm cùng để hướng dẫn con, giúp con quan sát cách thức lựa chọn đồ của bố mẹ từ đó có thể rút ra kiến thức kinh nghiệm lựa chọn cho mình. Khi con lựa chọn, ra quyết định sai thì hãy để con cảm nhận được hậu quả tự nhiên của việc đó rồi từ từ phân tích cho con quá trình đó bị lỗi ở điểm nào lần sau không lặp lại là được.

Sai lầm là chuyện rất bình thường trong cuộc sống đừng hả hê, nhiếc móc kiểu như: Bố, mẹ đã bảo rồi mà không nghe. Trong quán ăn, bạn đưa cho con menu giới thiệu các món ăn cho con rồi để con tự chọn món cho mình. Con bạn chọn món ăn cay mà bạn biết chắc là không phù hợp với con thì sao? Bạn hãy hỏi con để xác nhận lại một lần nữa: – Con ơi, món này hơi cay đấy nhé. Con có chắc là con muốn thử không? – Trông ngon mà, mẹ cứ gọi cho con. Sau khi gọi ra con bạn không ăn được ngồi nhăn mặt. Bạn chỉ cần nhẹ nhàng: – Cay không ăn được hả con. Con có muốn đổi cho mẹ không? Lần sau nhớ gọi những món không có ớt nha. Như thế con bạn vừa học được một bài học lại vừa rất vui vẻ.

Thứ hai: Đôi khi, phải tạo ra những tình huống để con bạn được chủ động lựa chọn. Tôi có một người bạn học cùng đại học nhưng bây giờ bạn ấy rất thành công còn tôi mãi là một nhân viên bình thường. Tôi nhớ ngày xưa cô ấy có kể cho cả phòng một câu chuyện. – Hồi tớ 5 tuổi, bố tớ dẫn đi chọn nhà. Đi xem một vòng xong bố bảo tớ thích cái nhà nào tớ nói thích nhà có cây hồng chín. Mấy hôm sau bố mua nhà có cây hồng chín cả nhà dọn về ở đến bây giờ. Oay, cảm giác mình được chọn nhà oai cực. – Nếu bố bạn không thích cái nhà đó thì sao. – Sau này, lớn lên tớ hỏi bố bố tớ bảo trong đầu cũng chủ định chọn ngôi nhà có cây hồng chín ấy rồi. Nếu con chọn ngôi nhà kia, bố sẽ phân tích để con thấy rõ ưu điểm để con vẫn chọn nhà này. Dẫn một đứa trẻ 5 tuổi đi chọn nhà, giao cho con quyền lựa chọn mua nhà như một người lớn là điều không phải ai cũng nghĩ đến. Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy bố bạn ấy đúng là tâm lý, rất tuyệt vời. Đó là một trong những lý do bạn ấy thành công như ngày hôm nay. Bạn để con được tham gia lựa chọn trong những mốc quan trọng của gia đình, đi kèm với sự phân tích, giảng giải về các tình huống có khả năng xảy ra sẽ giúp con bạn tăng sự tự tin hơn rất nhiều.

  1. Đối với các bạn trẻ: Riêng đối với những đứa trẻ bị bố mẹ áp đặt thậm chí can thiệp thô bạo vào mọi quyết định của mình các bạn trẻ hãy mạnh mẽ lên. Hãy nhớ rằng chúng ta là những người có ý chí, có năng lực cá nhân việc gì bản thân tự làm được phải tự làm đến cùng. Bố mẹ không sống cả đời với bạn nên bạn cũng đừng trở thành cây tầm gửi của bố mẹ, của xã hội. Bạn không tự quyết định cuộc đời mình thì còn chờ đến bao giờ. Paulo Coelho, tác giả The Alchemis (Nhà giả kim), cuốn sách được xuất bản còn nhiều hơn kinh thánh, khoảng hơn 40 triệu bản trên thế giới đã từng bị bố mẹ đưa vào bệnh viện tâm thần 3 lần chỉ để ép ông đi đúng hướng làm luật sư. Nhưng điều đó chưa bao giờ ngăn ông ngừng việc viết lách.

Không phải ai cũng làm được như Paulo Coelho nhưng chúng ta có thể học Tony buổi sáng: “Năm 18 tuổi, quyết định chọn một đại học duy nhất để thi là lần cãi lại thầy cô, cha mẹ đầu tiên. Ba má muốn Tony học cao đẳng sư phạm tiếng Anh để sống gần nhà, mọi thứ bình yên, ổn định nhưng Tony không thích. Năm lớp 12, trước quyết định học gì, bao nhiêu người lao vô góp ý nhưng Tony chỉ nói “Dạ, con/em ghi nhận” rồi âm thầm làm hồ sơ duy nhất một trường.

Với cha mẹ, ông bà chữ “hiếu” trong thời đại mới là yêu thương, kính trọng, biết ơn, có trách nhiệm giúp đỡ họ nhưng không có nghĩa là mọi thứ nhất nhất của họ mình đều nghe theo. Đừng bao giờ “ngoan ngoãn” cho họ sắp xếp cuộc sống của mình, “bố trí” mình học ngành này, ngành kia, “cơ cấu” mình vô làm chỗ này chỗ nọ, “mai mối” mình lấy người nọ người kia. Không, không bao giờ có chuyện đó với người có bản lĩnh. Cuộc đời này là của mình, 18 tuổi mình giành lấy quyền tự lập tự quyết. Lúc ba má định can thiệp vào cuộc đời mình, mình chỉ nói một câu vầy ba má im lặng, không nói ra nói vào nữa, đó là “con 18 tuổi rồi, biết cái gì đúng sai, cái gì hợp pháp bất hợp pháp để mà làm, mà chịu trách nhiệm. Ba má sinh con ra nuôi con không lớn, con không lựa chọn được nên một lòng kính trọng yêu thương. Nhưng bây giờ con chọn nghề, sau này chọn vợ, chọn chỗ ở, chỗ làm, công việc…con xin phép được tự quyết, Mọi lời khuyên của người khác con chỉ ghi nhận, kể cả ba má. Con sai lầm thì con sẽ phải trả giá, con không để người khác nuôi mình.”

Thoạt đầu, họ cũng bị sốc, vì quen hình ảnh một cậu bé ngoan hiền, bé bỏng nhất nhất vâng lời tự dưng giờ ăn nói kiên quyết như vậy. Nhưng cuối cùng dưới sự lì lợm bảo vệ quan điểm của mình, trời không chịu đất đất cũng đành phải chịu trời.” Tất nhiên, để làm được điều đó, bạn phải cố gắng khẳng định mình cộng với ý chí kiên cường, thời gian đầu sẽ vô cùng khó khăn vất vả nhưng tôi tin là các bạn sẽ làm được thôi. Càng tự quyết sớm bao nhiêu các bạn sẽ càng trưởng thành và tự tin vào bản thân bấy nhiêu. Sau đó, sẽ không ai có thể can thiệp thô bạo vào cuộc đời bạn nữa vì cuộc đời này là của chính bạn chứ không phải của bất cứ ai khác. Đừng giống như tôi sống một cuộc sống mệt mỏi, chán chường suốt 30 năm.

KẾT: Tôi nhớ Montessori có nói một câu đại ý chỉ cần nhìn một đứa trẻ ba tuổi sẽ biết được vận mệnh của một quốc gia sau này. Những đứa trẻ sớm có quyền tự quyết sẽ lớn lên mạnh mẽ, kiên cường, có ý chí cao nên không dễ khuất phục. Chúng biết yêu bản thân, yêu gia đình và cao hơn nữa là yêu tổ quốc tha thiết nên chúng sẽ không thể trở thành một người vô dụng. Việc con cái của bạn độc lập, tự chủ không những giúp ích cho bạn, cho bản thân đứa trẻ mà còn giúp ích cho sự phát triển của tương lai của đất nước.

Có bao giờ bạn nghĩ đến điều này không? Tôi biết rất nhiều người trong đó có cả bản thân tôi, cả đời chưa tự tay mình tạo ra một sản phẩm nào đúng nghĩa nhưng lại được tạo hóa trao cho một tuyệt tác là một đứa trẻ. Thế mà họ nỡ làm tổn thương nó, nhào nặn nó đến khi thành một vật thể méo mó. Những vị phụ huynh đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con mình xin hãy bình tĩnh lại và hít thở thật sâu trước khi định áp đặt bất cứ điều gì lên đứa trẻ. Hãy nhớ một điều vì chúng ta hoàn toàn không biết trước tương lai nên hãy đặt tương lai của đứa trẻ vào tay chúng. Việc duy nhất bạn cần làm là ngắm tuyệt tác của mình lớn lên từng ngày, chăm bẵm, tưới tắm cho tâm hồn chúng và để chúng tự quyết định cuộc đời mình. Đơn giản vậy thôi.”

(Sưu tầm từ nhóm ĐH)

Theo Phan Lê Minh

#nuoi-day-con #phat-trien-ca-nhan